vnstartup.vn

Hãng thông tấn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại những di sản tư tưởng vô giá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có những lời dạy hết sức sâu sắc về đạo đức kinh doanh và phát triển hàng hóa Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)

Những lời dạy của Người có giá trị bền vững, có ý nghĩa chỉ đạo thực hiện to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đạo đức kinh doanh lành mạnh và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt lên tầm cao mới, trong thời kỳ mới.

Tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (1956), Người chỉ rõ:

“Nền kinh tế quốc dân, có 3 mặt quan trọng đó là nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt công tác ấy có quan hệ mật thiết với nhau… Nếu công tác thương nghiệp không chạy, thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Theo Người – “Tín” là chuẩn mực đạo đức cơ bản của mọi con người và nó cần thiết trong mọi hoạt động. Riêng đối với hoạt động kinh doanh, thì phải lấy chữ “Tín” làm đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ Việt Bắc (Ảnh: Tư liệu)

Bởi vì, trong kinh doanh, nếu thất “Tín” là thất nhân tâm, là có thể buôn gian, bán lận, có thể lừa đảo, gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Chính vì những lẽ đó, Người đã ân cần chỉ dẫn cho các doanh nhân:

“Phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Giá cả phải chăng, không lừa dối người mua”.

Bác luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp và các doanh nhân phải năng động, nêu cao tinh thần tận tình phục vụ Nhân dân, tôn trọng khách hàng, lấy sự hài lòng của khách hàng làm niềm vui.

Người chỉ ra, cái nghề “làm dâu trăm họ” là rất khó, rất phức tạp, nhưng cũng rất vẻ vang!

Chính vì thế, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành thương nghiệp, Người đã biểu dương, khen ngợi những nhân viên bán hàng tiêu biểu.

Và những lời khen của Người – mãi mãi là niềm tự hào của ngành thương mại, dịch vụ và của các doanh nhân.

Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm tới phát triển hàng hóa Việt. Ngay từ những năm 1960, Người đã giành nhiều bài nói, bài viết bàn về hàng hóa và phát triển hàng hóa Việt.

Bác Hồ thăm Nhà máy Điện Bờ Hồ năm 1954 (Ảnh: Tư liệu)

Theo Người, phát triển hàng hóa Việt, phải theo phương châm cơ bản “NHIỀU – NHANH – TỐT – RẺ”.

Trong nhiều bài viết, Bác Hồ đã phân tích rất sâu sắc rằng, chỉ có sản xuất được nhiều hàng hóa, thì dân mới giàu, nước mới mạnh, mức sống của Nhân dân lao động mới được nâng cao. Muốn sản xuất được nhiều hàng hóa, thì phải tạo điều kiện cho nhiều cơ sở sản xuất phát triển và đặc biệt là phải tăng năng suất lao động.

Người chỉ rõ:

“Muốn làm ra nhiều của cải, phải có 2 điều kiện: Một là phải có nhiều người sản xuất; hai là mỗi người phải sản xuất được nhiều. Hai điều này, thật ra không hề tách rời nhau”.

Về phát triển hàng hóa, Bác Hồ đã xác định:

“Phải tăng nhanh, tăng mạnh, tăng liên tục các loại hàng hóa, nhất là những hàng hóa Việt có lợi thế và những hàng tiêu dùng thiết yếu”.

Người luôn nhắc nhở các doanh nghiệp về phương thức phát triển nhanh hàng hóa:

“Nhanh, không phải là chỉ gắng sức lên từng lúc, từng đợt. Nhanh – là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ngày 19/5/1955

Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới chất lượng hàng hóa. Theo Người, hàng hóa sản xuất ra phải tốt. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên của mọi loại hàng hóa.

Người đã phân tích rất sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa “nhiều”, “nhanh” với “tốt” của các loại hàng hóa.

Người cho rằng, nhiều, nhanh phải đi đôi với tốt. Nếu chỉ nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh.

Người còn chỉ rõ, hàng xấu không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp, mà còn gây tác hại lớn cho cả Nhà nước và người tiêu dùng:

“Hàng xấu khó bán, hoặc phải bán với giá rẻ, do đó xí nghiệp không có lãi, Nhà nước không tăng được tích lũy… Hàng xấu thì chóng hỏng, chóng hao, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng”.

Người luôn xác định, hàng hóa không những nhiều, nhanh, tốt, mà còn phải rẻ. Bởi vì, sản xuất được hàng hóa rẻ, chính là mục đích tốt đẹp của xã hội mới.

Tháng 1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen tặng Mỏ Apatit Lào Cai đã làm đúng lời hứa, thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 10% trong năm 1958 (Ảnh: Tư liệu)

Theo Người:

Nếu sản xuất ra hàng hóa đắt đỏ, thì chẳng có ích gì cho dân, cho nước. Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt, nhưng lại không rẻ, thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của Nhân dân và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế.

Muốn sản xuất được hàng hóa rẻ, thì phải tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu…

Công Luận

Leave comment

Your email address will not be published. Required fields are marked with *.