Khởi nghiệp từ mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa tại Trà Vinh
Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Trần Minh Nhật (ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải) đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng nuôi cua lột trong hộp nhựa. Mô hình hứa hẹn sẽ tạo hướng đi mới, nhiều triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Xã Long Khánh là một trong bốn địa bàn xã đảo của huyện Duyên Hải. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân chủ yếu là nuôi trồng thuỷ hải sản. Cua biển là một trong những loài thuỷ sản được đa số hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế của địa phương, anh Trần Minh Nhật (sinh năm 1996), Đoàn viên chi đoàn ấp Cái Đôi, xã Long Khánh đã tìm hiểu trên các phương tiện xã hội, nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn và quyết định thử nghiệm mô hình này.
Đầu năm 2022, Nhật bắt đầu triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa kết hợp với hệ thống lọc nước tuần hoàn chỉ với 50 hộp nhựa. Sau 2 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, hiện nay Nhật đã mạnh dạn nhân rộng mô hình với 800 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng.
Anh Trần Minh Nhật chia sẻ: Sau một thời gian thực hiện, em nhận thấy mô hình này rất có tiềm năng để phát triển. Thông qua phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp em đã quyết định vay vốn thêm từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh đoàn để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay mô hình của em đã cơ bản ổn định, hàng tháng cung cấp ra thị trường từ 100 – 120kg cua lột cả trong và ngoài nước. Dự kiến trong thời gian tới, em sẽ liên kết với các hộ nông dân để xây dựng nguồn cua nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng cua biển ra thị trường.
Chia sẻ về quá trình nuôi, Nhật cho biết, đầu tiên anh thu mua cua giống từ các hộ nuôi cua quảng canh tại địa phương. Mỗi con cân nặng khoảng 150 – 200g, đảm bảo khỏe mạnh và cho vào từng hộp để chăm sóc. Nguồn nước nuôi cua có độ mặn tương ứng với giống cua mà người dân đang nuôi theo hình thức quảng canh. Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ và sức khoẻ, khả năng ăn uống của cua, để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống cho cua. Thức ăn chủ yếu là hải sản tươi như cá, ốc… được thu gom tại địa phương nên dễ chủ động và tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh việc phát triển mô hình khởi nghiệp, anh Nhật còn tích cực tham gia các cuộc thi về dự án, ý tưởng khởi nghiệp do Đoàn, Hội các cấp phát động, kết quả đoạt giải Nhì cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức. Hiện tại, Nhật đã đăng ký thành công thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm cua lột của mình.
Đánh giá về mô hình trên, anh Lê Vĩnh Lâm, Phó Bí thư Huyện Đoàn Duyên Hải nhấn mạnh: Mô hình của đoàn viên Trần Minh Nhật là một trong những điểm sáng của thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn huyện Duyên Hải góp phần khẳng định bản thân và phát triển kinh tế cá nhân.
Trong thời gian tới, để phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Duyên Hải được phát triển và đem lại lợi ích tốt nhất, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; phối hợp với Tỉnh đoàn tranh thủ các nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh, huyện và quỹ đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp do Huyện Đoàn quản lý để hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp và tham quan những mô hình, dự án khởi nghiệp hiệu quả trong và ngoài huyện. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Từ đó nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, tất cả góp phần phát triển nhiều hơn nữa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Duyên Hải.
Với sức trẻ, đam mê, chịu khó tìm tòi, học hỏi, dám trải nghiệm, anh Trần Minh Nhật đã có thành công ban đầu cho những cố gắng của mình. Đồng thời là tấm gương khởi nghiệp để cho lớp trẻ noi theo và học tập, bởi đây không chỉ là ý chí dám nghĩ, dám làm mà còn là điển hình về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Quốc Khởi