Việt Nam muốn trở thành hub toàn cầu về nhân lực bán dẫn
Hub nhân lực toàn cầu được coi như “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, nghiên cứu các công đoạn chuỗi giá trị chip bán dẫn tại Việt Nam vì vậy việc đào tạo đáp ứng nhu cầu là cần thiết.
Thông tin được nêu tại hội nghị “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Mỹ) tổ chức mới đây.
Tại sự kiện Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ngành bán dẫn đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất. Lĩnh vực này cũng yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất. Phó thủ tướng nhận định nhân lực đóng vai trò quyết định trong cuộc đua ngành bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn là xây dựng để Việt Nam trở thành trung tâm (hub) nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Từ hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ông ví von, hub nhân lực như thỏi nam châm thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn tại Việt Nam. Hub nhân lực toàn cầu sẽ bao gồm cả người làm việc trong công đoạn gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Hùng, Việt Nam phải có khả năng đáp ứng nhanh về nhu cầu lao động, nhân lực được nâng cao kỹ năng, nhân lực STEM… “Nhân lực là lõi để dựng nên ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sau này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việt Nam hiện có 600.000 – 700.000 kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử. Nếu đào tạo lại trong 6 – 12 tháng, số nhân lực này có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn. Để làm được việc này, ông Hùng cho rằng Việt Nam cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất, giáo trình và chú trọng hợp tác giữa doanh nghiệp bán dẫn và đại học. Ngoài ra cần sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo.
Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa cho biết, tập đoàn chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; Thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng. Trung tâm có tổng mức đầu tư ban đầu là 265 tỷ đồng. Mục tiêu tới năm 2030, đơn vị này đào tạo tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế trong các nhà máy lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.
Trường Đại học Phenikaa cũng đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống.
Tại Việt Nam hiện có Đại học Quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã đầu tư, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc đào tạo nhân lực vi mạch, bán dẫn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự vào cuộc của Phenikaa, các trường đại học, địa phương… khi tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các hành động hiện thực hóa mục tiêu.
Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là bài toán mấu chốt. Ông cho biết đồng hành cùng cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, Chính phủ cam kết tạo môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi để khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.
Phó thủ tướng lưu ý, trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn cần có dự báo, đánh giá rõ nhu cầu thị trường trong mỗi công đoạn để tham gia vào lĩnh vực này.
Trước đó tại hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” tổ chức hôm 17/4, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có định hướng hàng năm về nghiên cứu khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực này. “Vi mạch bán dẫn chưa có trong danh mục chương trình quốc gia, nhưng hiện diện trong nhiều lĩnh vực như vật lý, vật liệu công nghệ ưu tiên”, ông nói và cho biết Bộ sẽ ưu tiên đặt đề bài nghiên cứu cấp quốc gia, cấp Bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh có hỗ trợ tham gia nghiên cứu.
Ngoài ra Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) sẽ bổ sung vi mạch bán dẫn vào lĩnh vực ưu tiên. “Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó có ưu tiên đề tài”, Thứ trưởng Thái nói thêm trong chương trình của Quỹ Nafosted những năm tiếp theo sẽ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ.
Vĩnh Hà