vnstartup.vn

Hãng thông tấn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã trải qua nhiều sự phát triển và tiến bộ trong vài năm qua, yếu tố quan trọng là cần tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi để giúp khởi nghiệp phát triển.

Chia sẻ trong buổi Tọa đàm “Thực trạng về giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia” do CLB Doanh nhân Và Khởi Nghiệp Việt Nam tổ chức. Các chuyên gia, diễn giả cho biết về tầm quan trọng của hạ tầng và quản lý trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các khách mời tham dự buổi toạ đàm

Các khách mời như TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Chu Quang Thái – Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn FPT… đều có chung nhận định rằng, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã trải qua nhiều sự phát triển và tiến bộ trong vài năm qua. Từ việc giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường quy định và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho startup, nước ta đang tạo ra một nền tảng tốt cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được vượt qua. Thủ tục pháp lý vẫn còn phức tạp đối với các doanh nghiệp trẻ, và việc tìm nguồn tài trợ và đầu tư vẫn còn khá khó khăn. Ngoài ra, hoạt động đào tạo cho các doanh nhân và người nghiên cứu, sáng tạo cũng còn hạn chế, và hệ thống hỗ trợ cơ bản vẫn còn phải phát triển.

Các giải pháp cần sớm hoàn thiện để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mạnh mẽ là: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, tạo cơ hội hợp tác và kết nối.

Ông Chu Quang Thái – Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC phát biểu

Đại diện cho NSSC, ông Chu Quang Thái cho biết: “Đối với người đi hỗ trợ khởi nghiệp, việc họ tự trở thành tỷ phú không phải là mục tiêu chính. Thay vào đó, họ cần tạo ra môi trường và hạ tầng thuận lợi để giúp khởi nghiệp phát triển”.

Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Luật Khoa học Công nghệ và Luật hỗ trợ DNNVV, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái.

Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh rằng: “Dù có sự hỗ trợ về kiến thức và điều kiện, sự thành công của một doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn phụ thuộc vào những người sáng lập (Founder và Co-Founder). Vì vậy, việc phát triển hạ tầng và môi trường thuận lợi là mấu chốt”.

Một vấn đề khác được tiếp tục thảo luận tại Tọa đàm mà nhiều doanh nghiệp đang gặp ở Việt Nam khi khởi nghiệp, đó là vấn đề vốn. Ông Chu Quang Thái cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần tạo ra một hạ tầng thị trường vốn. Điều này có nghĩa là tạo ra cơ hội cho các startup phát triển trên nền tảng hạ tầng đã có sẵn, giúp họ hoạt động nhanh chóng và hiệu quả.

Trong chia sẻ của mình, ông Chu Quang Thái đưa ra ví dụ về tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong quá trình khởi nghiệp và phát triển. “Quản lý rủi ro không chỉ là quản lý tài chính mà còn liên quan đến quản lý phát triển tổng thể của một dự án khởi nghiệp. Nên có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ các cơ quan chính phủ và các bộ ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho khởi nghiệp. Và trong quản lý khởi nghiệp phải thiên về quản lý phát triển, chứ không phải quản lý rủi ro”.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa phát biểu

Còn ông Nguyễn Hữu Thái Hòa thể hiện nỗi lo khi đề cập đến chương trình truyền hình Shark Tank. Theo ông, những gameshow như vậy đang khiến một bộ phận khởi nghiệp bị ngáo tiền. Ông chỉ ra thực tế gọi vốn là một hành trình gian khó và không có chuyện lên truyền hình 30 phút là nhận được đầu tư vài tỷ hay triệu đô. Hầu hết các deal đầu tư mang giá trị truyền thông thay vì giá trị đầu tư tài chính.
Theo ông Hòa, cơ chế cơ bản này của nền tảng ĐMST được bắt đầu từ việc các công ty lớn phát hiện nhu cầu trong thị trường; sau đó, thay vì nghiên cứu và phát triển ý tưởng trong nội bộ, doanh nghiệp đi tìm các nguồn ý tưởng ĐMST ở bên ngoài, đặc biệt là từ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các công ty nhỏ và vừa, nhằm tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo và đột phá hơn. Đây là cơ hội để họ phát triển những sản phẩm mới, đáp ứng chính xác nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đây cũng là thị trường vô cùng hấp dẫn dành cho các startup khởi nghiệp.
Chia sẻ thêm, ông cho biết: “Thay vì tập trung vào việc mua vé bán hàng và các câu chuyện sáo rỗng, các khởi nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và sự chuẩn bị cẩn thận”. Ông nhấn mạnh rằng: “Một sản phẩm thành công đòi hỏi sự chuỗi hóa, không chỉ ở một địa phương, mà ở nhiều nơi khác nhau để chứng minh tính thực tế và giá trị thực sự của nó”.
Cuối cùng, ông Thái Hòa khuyên các doanh nghiệp startup rằng: “thất bại là một phần của hành trình khởi nghiệp, và họ không nên sợ thất bại. Thay vào đó, họ cần tập trung vào việc xây dựng chất lượng công nghệ và tài chánh, và phải chứng minh tài năng của mình để thành công trong cuộc hành trình khởi nghiệp”.

Minh Hà (tổng hợp)

Leave comment

Your email address will not be published. Required fields are marked with *.