Định vị Đà Nẵng trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ sinh thái, kết nối, hấp dẫn các nhà đầu tư và định vị trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế; từng bước xây dựng điểm đến hấp dẫn về khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Cuối tháng 5-2024, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức sự kiện quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng năm 2024 – Danang Venture and Angel Summit 2024 (DAVAS 2024). Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Đà Nẵng để kết nối các thành tố trong hệ sinh thái, tạo cơ hội cho các dự án, startup tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; từng bước xây dựng, định vị Đà Nẵng trở thành điểm đến gọi vốn và đầu tư hấp dẫn, hình thành cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm trên địa bàn thành phố. Tại đây, 30 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế được tuyển chọn đã tham gia gọi vốn và kết nối 1-1 với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tạo cơ hội giúp các dự án khởi nghiệp, startup tiếp cận nguồn vốn và hợp tác cùng phát triển.
Anh Võ Nguyễn Đình Trí, Giám đốc Công ty CP Giáo dục Rebo cho biết, Rebo Education là một trong 3 startup EdTech (khởi nghiệp bằng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục) tham gia gọi vốn tại DAVAS. Sản phẩm của Rebo bao gồm ứng dụng Rebo App cho phép học sinh tương tác với các bài học 3D và thực tế tăng cường (AR) trên thiết bị di động, cùng nền tảng Rebo Studio giúp giáo viên và học sinh tạo ra các bài giảng 3D sống động và hấp dẫn. Rebo tạo ra những trải nghiệm học tập độc đáo, giúp học sinh hiểu và ghi nhớ các khái niệm phức tạp dễ dàng hơn. Theo anh Trí, việc tham gia gọi vốn được nhiều nhà đầu tư là cơ hội cho các startup mới như Rebo. Tại DAVAS, dự án nhận được rất nhiều chia sẻ, góp ý từ các chuyên gia đầu ngành. Trước mắt, đội ngũ sáng lập của Rebo sẽ làm việc với một số quỹ đầu tư ấn tượng đã kết nối và hoàn thiện các thủ tục, yêu cầu để đáp ứng các yêu cầu, mong muốn của các quỹ đầu tư.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, DAVAS 2024 là điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố; từng bước khẳng định vị trí của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các dự án tại Đà Nẵng học hỏi được kinh nghiệm gọi vốn của các dự án trên thế giới và kinh nghiệm thực chiến khi tiếp xúc với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư; nhìn nhận, đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu của dự án và hoàn thiện giải pháp, sản phẩm của mình để có thể tiếp cận và thu hút đầu tư; từng bước xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ DAVAS, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Quỹ đầu tư Quest Venture (Singapore) ra mắt không gian hợp tác đổi mới sáng tạo của Quest Ventures tại Đà Nẵng. Mới nhất, vào ngày 11-6, đoàn công tác thành phố do Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Hoàng Văn Bản làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại một số công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc như UBTech Robotics và Huawei Technologies; qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển mới, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Đà Nẵng và các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), qua việc xây dựng, kết nối của thành phố tại các sự kiện quốc tế, cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng vươn ra quốc gia và khu vực là rất lớn. Các nhà đầu tư biết đến Đà Nẵng không chỉ là địa điểm nghỉ ngơi, du lịch mà còn là nơi có chính sách, cơ chế hấp dẫn với nhà đầu tư. Mặt khác, Đà Nẵng sở hữu nguồn nhân lực rất năng động, khả năng hội nhập của startup Đà Nẵng rất nhanh chóng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Để nâng cao các kỹ năng, tạo nên không gian kết nối chuyên nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, chung tay từ chính quyền thành phố, trường đại học và vườn ươm. Đồng thời, triển khai các chương trình, tạo điều kiện cho các startup kết nối, tham gia các sân chơi quốc tế để nâng cao tính chủ động, tự tin, đóng góp tích cực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Để hấp dẫn các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư địa phương cũng cần có những cộng đồng, cơ chế hỗ trợ. Việc các nhà đầu tư thiên thần ở Đà Nẵng thành lập quỹ ở địa phương hoặc mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần là rất cần thiết. Đây cũng tiềm năng thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia triển khai các sáng kiến của các vườn ươm”, ông Quất nhận định.
Theo Báo Đà Nẵng