vnstartup.vn

Hãng thông tấn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” là câu ca dao đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, thể hiện niềm tự hào về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” của con dân đất Việt.

Vào ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm, dù đi đâu về đâu mọi người dân đất Việt cũng đều hướng về dân tộc, tìm về cội nguồn của mình. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương vào thứ Năm, ngày 18/4.

Biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là ngày để người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thực hiện vào ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ…) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì; khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương – thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và cũng là Di sản Văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Qua các nghiên cứu trước đây cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi.
Theo truyền thuyết, ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, thờ lúa thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đến cuối thế kỷ 19 và trước khi trùng tu Đền Thượng vào năm 1917, tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở đây vẫn là sự đan xen giữa thờ thần núi, thần lúa và thờ các Vua Hùng.

Người dân cả nước hướng về ngày Giỗ tổ 10/3/2024

Theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán đã cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên sau khi Hùng Vương mất, An Dương Vương đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ. Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Từ thời Hậu Lê, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế,” việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì.

Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10/3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng.

Kế tục truyền thống của ông cha, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 (Âm lịch) hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương hướng về cội nguồn dân tộc.

Và Người đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trong đó, lần về thăm thứ hai, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Sau đó, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Từ đây, ngày 10/3 (Âm lịch) hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng đại của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Và ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Lan tỏa trong đời sống đương đại

Nhiều hoạt động phần lễ chào mừng ngày Giỗ tổ

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt.

Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Hiện nay, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ…

Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Cùng với đồng bào trong nước, từ nhiều năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Nhưng không phải ai cũng vinh hạnh được về dự ngày Giỗ Tổ ở quê nhà. Vì vậy, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài để bà con có dịp hướng về với cội nguồn dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết.

T/H

Leave comment

Your email address will not be published. Required fields are marked with *.